Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Về Bến Tre khám phá "Festival Dừa"

Festival Dừa
Lịch sử phát triển cây dừa Bến Tre, chưa có tư liệu nào ghi rõ nó từ đâu đến cư ngụ trên vùng đất này và đến tự bao giờ. Chỉ biết người dân Bến Tre đã gắn bó với sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa từ rất xa xưa.
Trải qua biết bao thăng trầm, nhưng cây dừa vẫn luôn chung thủy, sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng đất Bến Tre. Nhiều giống dừa đã cư ngụ, thích nghi và phát triển từ vùng ngọt đến vùng đất cát ven biển hay ngay cả ở vùng đất có độ phì nhiêu kém, nhiễm phèn…. Dừa ở Bến Tre nhiều vô số kể và được nhiều người biết đến như là: “miệt dừa”, “xứ dừa”, “rừng dừa”. Trong kháng chiến nhân dân Bến Tre có câu “Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”. Trong xây dựng quê hương, cây dừa đã trở thành loại cây đặc biệt của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, có thể nói là cây xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân Bến Tre.

Bến Tre hiện có diện tích vườn dừa lớn nhất nước, trên 51.000 ha, với sản lượng 400 triệu trái/năm. Diện tích dừa Bến Tre ngày càng được mở rộng, cây dừa trở thành một loại cây công nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghệp chế biến và phục vụ xuất khẩu. Công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm từ dừa đã bước ra thế giới. Đặc biệt, các sản phẩm từ dừa có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng ở xứ sở này và đã trở thành biểu tượng của Bến Tre.

Là xứ sở dừa Việt Nam, năm 2009 Bến Tre đã sáng tạo ra lễ hội mang đặc trưng của vùng đất xứ dừa, đó là “Lễ hội Dừa lần I”. Tiếp nối, năm 2010 Bến Tre tổ chức “Lễ hội Dừa lần II”. Đây là lễ hội lớn dành riêng cho cây dừa, nhằm mục đích tôn vinh những giá trị sáng tạo, những tài năng, tâm quyết của nghệ nhân và người thợ thủ công. Là cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế của Bến Tre, tiềm năng du lịch sinh thái, di tích và văn hóa lịch sử, đặc biệt là tiềm năng kinh tế qua các sản phẩm từ dừa. “Lễ hội Dừa” còn tôn vinh những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cong ty có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển cây dừa và ngành công nghiệp dừa, hội thảo về giá trị cây dừa. Và cũng là dịp để khách tham quan thưởng thức những món ngon, vật lạ ở Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Qua 02 lần tổ chức “Lễ hội Dừa”, Bến Tre đã gặt hái được nhiều thành công và để lại ấn tượng cho du khách với các hoạt động truyền thống đặc sắc, đặc trưng của xứ dừa. Quan trọng hơn là để tiếp tục khẳng định cây dừa Bến Tre cần phải có vị trí trong danh mục cây công nghiệp quốc gia, Bến Tre mở rộng qui mô và nâng tầm “Lễ hội Dừa” lên thành “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” với chủ đề “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển”.

“Festival Dừa Bến Tre lần III” sẽ diễn ra từ ngày 04/4/2012 – 09/4/2012 tại thành phố Bến Tre, có sự phối hợp tham gia của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có sản xuất các sản phẩm từ dừa và sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh dừa trong cộng đồng dừa Châu Á – Thái Bình Dương (APCC). Và qui tụ hơn 200 doanh nghiệp, với trên 500 gian hàng giới thiệu trưng bày, giới thiệu thành tựu, các sản phẩm dừa (trong đó có khu vực dành cho các nghệ nhân thao diễn kỹ thuật tay nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa, khu vực trưng bày các sản phẩm đạt giải tại hội thi kiểu dáng, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa…) và hội chợ thương mại hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong khuôn khổ “Festival Dừa Bến Tre lần III” các hoạt động khác cùng diễn ra như:

- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị cây dừa;
- Hội thi sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa;
- Tuần lễ văn hoá - nghệ thuật và các hoạt động vui chơi giải trí với các hoạt động như: Trình diễn các tác phẩm thơ, ca sáng tác về Bến Tre, gặp gỡ giao lưu giới văn nghệ sĩ tiêu biểu, tọa đàm về những nhân vật lịch sử của Bến Tre;
- Liên hoan ẩm thực Nam Bộ sẽ giới thiệu nét đặc sắc nghệ thuật ẩm thực và các món ăn, thức uống truyền thống đặc sản Nam Bộ, đặc biệt là ẩm thực từ dừa.

Đặc biệt, “Festival Dừa Bến Tre lần III” có tổ chức “Tour du lịch vườn dừa miễn phí” phục vụ khách tham quan các khu vườn dừa tiêu biểu, các điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm dừa ở huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam (và ngược lại) bằng phương tiện xe ôtô buýt miễn phí.

Nằm trong chuỗi hoạt động còn có “Lễ hội đường phố” với chủ đề “Ngày hội xứ dừa” với các hoạt động như: Biểu diễn của các đoàn Nghệ thuật dân gian; múa lân sư rồng; đội kèn, trống; biểu diễn thời trang dừa; tổ chức đoàn xe hoa, xe biểu tượng được trang trí bằng vật liệu dừa.

Đặc sắc và gây ấn tượng là “Con đường dừa” được trang trí với không gian đặc sắc và những chất liệu bằng dừa, mang đậm chất dân gian. Các giống dừa, các sản phẩm từ dừa được bố trí bằng các cụm tiểu cảnh hài hòa, có tính nghệ thuật và ấn tượng.

Hay vòng chung kết hội thi “Người đẹp xứ dừa lần thứ X” cũng được diễn trong những ngày tổ chức “Festival Dừa Bến Tre lần III”, đây là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho mọi người và để định hướng giáo dục chân – thiện – mỹ trong trong thời đại ngày nay, nhất là đối với nữ thanh niên. Qua đó, tôn vinh nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ quê hương xứ dừa nói riêng.

Chương trình lễ khai mạc, bế mạc với kịch bản nghệ thuật “sân khấu hóa” hoành tráng sẽ được trực tiếp trên sóng phát thanh truyền hình: VTV, HTV, THBT và các tỉnh bạn lân cận.

Mời bạn hãy đến xứ dừa Bến Tre, để cùng khám phá, trải nghiệm “Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012” này nhé!

Chu du trải nghiệm cồn Phú Đa-Bến Tre

“Bộ thất” chúng tôi ai cũng thích phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá, đặc biệt là thích khám phá những vùng sông nước và cây trái. Đã ba năm miệt mài với sách vở, không có thời gian khám phá những gì yêu thích. Chỉ một năm nữa, chúng tôi sẽ ra trường, rồi mỗi đứa mỗi nơi, biết bao giờ mới có cuộc hội ngộ đầy đủ “bộ thất” thế này để thỏa chí nghịch ngợm khám phá. Điểm chúng tôi chọn khám phá là sông nước miền Tây, thế là cả bọn chọn Bến Tre. May quá, những bạn cùng lớp học có vài bạn quê ở Chợ Lách, Bến Tre. Các bạn ấy rất nhiệt tình mời chúng tôi về khám phá ở quê bạn.

Chưa có kinh nghiệm tính toán cho chuyến đi, nên cả bọn chẳng ai chú ý từ thành phố Hồ Chí Minh mình đi đến Chợ Lách là bao nhiêu km. Chỉ biết 6 giờ sáng “bộ thất” khởi hành đi bằng những con ngựa sắt đến Chợ Lách vào khoảng 9 giờ 30. Trên đường đi, qua nhiều cây cầu, nếu tính từ bờ Tiền Giang sang Bến Tre, ấn tượng nhất là cầu Rạch Miễu và cầu Hàm Luông, đẹp quá. Điều lý thú nữa là khi đến đất Bến Tre, quan sát thấy đâu đâu cũng trồng dừa, đoạn đến đỉnh cầu Hàm Luông nhìn xuống, trời ơi bạt ngạt dừa ơi là dừa!

Đến thị trấn Chợ Lách, bạn tôi đưa cả bọn đến xã Vĩnh Bình. Từ đây, chúng tôi mới thực sự thỏa chí khám phá vùng sông nước mênh mông và đa chủng loại cây trái. Đầu tiên quan sát, tìm hiểu được biết cồn Phú Đa nằm giữa dòng sông Cổ Chiên thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, có diện tích đất canh tác 495 ha, với 630 hộ dân sinh sống. Toàn bộ cồn Phú Đa được địa phương phân chia thành 02 ấp (Phú Đa, Phú Bình). Hệ thống giao thông bộ trên cồn khá thuận lợi. Hệ thống giao thông thủy thì chằn chịt những con rạch, nên cũng rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa.

Tính từ đất liền qua phà nhỏ sang cồn Phú Đa chỉ mất 5 phút, đến cồn chúng tôi được các bạn cho đi xuồng máy quanh cồn để ngắm nhìn quan cảnh sông nước mênh mông, hít thở không khí sông nước thoải mái. Chúng tôi thấy bao quanh cồn Phú Đa là những hàng bần hay những cụm lục bình xanh ngắt chen chút, núm níu sát nhau nép mình nằm sát bờ đất cồn. Vì là vùng sông nước, nên liên tiếp có những làn gió thổi vào làm những hàng bần lúc nào cũng đong đưa trong gió và những thảm lục bình cứ nhấp nhô theo những gợn sóng vỗ vào bờ, nhìn những hình ảnh ấy nó đáng yêu, khoái chí vô cùng.

Người dân nơi đây bảo, vì nằm giữa dòng Cổ Chiên, nên vào mùa nước nổi từ đất liền nhìn ra cồn Phú Đa như một ốc đảo khổng lồ bồng bềnh trên sông. Được thiên nhiên ưu đãi nước vùng này ngọt quanh năm, lại có nhiều phù sa bồi đắp, nên vườn cây ăn trái nơi đây lúc nào cũng tươi tốt, oằn sai trĩu quả cả bốn mùa. Người dân xứ cồn đa số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nhờ chăm chỉ canh tác mà xứ này hình thành nhiều vườn chuyên canh cây ăn trái như: Sầu riêng, chôm chôm, nhãn, xoài tứ quý… và nhiều loại cây ăn trái khác.

Phải công nhận rằng, tổng thể quan cảnh cồn Phú Đa rất đẹp. Chúng tôi cuốc bộ gần hết các con đường trên cồn, tính đi tính lại cả gần 3km, song chẳng thấy mệt là bao. Bởi lẽ do khí hậu nơi đây mát mẻ, còn giữ được nguyên sơ của miệt vườn và môi trường sinh thái trong lành, với màu xanh của những vườn cây ăn trái. Tiếp xúc với người dân nơi đây, được biết cồn Phú Đa có chiều dài hơn 3km, ngang 500m đất bãi bồi ven sông, nên rất thuận lợi cho các loài thủy sản nước ngọt hội tụ về đây sinh sống, trong đó phải kể đến sản vật thiên nhiên khá quý hiếm đó là con “ốc gạo”.

Vì sao gọi là cồn “Phú Đa”, theo lời kể qua nhiều thế hệ: Người dân xứ cồn trước đây nghèo lắm, nên người dân mới đặt tên cồn là “Phú Đa”, với mong muốn đa số người dân sẽ có cuộc sống ngày càng khá lên. Người dân nơi đây còn cho biết, ngày xưa vùng này ốc nhiều vô kể, trong cuộc sống khó khăn lúc nghèo, đói người dân thường cào ồc về làm các món ăn thay cơm, nhưng ăn riết rồi cũng ngán, nên đã đem ốc đó đến các gia đình khá giả trong vùng để đổi lấy gạo ăn. Thế là từ đó người dân quen gọi là ốc gạo Phú Đa, với mong muốn cho đa số người dân nơi đây sớm thoát khỏi cảnh cơ cực.

Bạn tôi đưa chúng tôi thăm vườn chuyên canh sầu riêng khoảng 2ha, mà mùa này theo chúng tôi được biết không phải là mùa sầu riêng, nhưng phân nữa vườn thì là những cây sầu riêng oằn sai trái, phân nữa vườn thì mới ra hoa, cả bọn đều ngạc nhiên, hỏi ra mới biết người dân ở đây áp dụng khoa học kỹ thuật để làm cho sầu riêng ra trái ngịch mùa. Hay đến tham quan vườn chôm chôm, vườn xoài tứ quý, vườn bưởi da xanh, vườn nhãn…, thì cũng đều như thế.

Ghé thăm vườn chuyên trồng nhãn, thấy trong vườn để nhiều thùng nuôi ong để lấy mật bán. Chứng kiến quy trình chủ vườn lấy mật ong, thích quá, mật ong ở đây vàng trong óng ánh và sủi bọt, chủ vườn lấy một ít pha với trà nóng, vắt vào đấy miếng tắc tươi và mời chúng tôi thưởng thức. Phải công nhận mật ong pha trà uống thiệt đã. Sau khi lấy mật, chúng tôi thấy chủ vườn thu gom các vỉ sáp ong lại, rồi làm thành những bánh to như bánh xe hơi, hỏi ra mới biết để dùng trong xây dựng. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở đây còn sản xuất nhiều loại cây giống, trồng nhiều loại cây kiểng quý để bán.

Chu du trên cồn Phú Đa, chúng tôi thấy nơi đây còn hiện hữu: Đình Thần, Miếu bà Chúa Xứ, Nhà Thờ Phú Đa. Chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu nhiều ở cồn Phú Đa, nhưng cả bọn đều có chung nhận xét trong tương lai cồn Phú Đa sẽ là điểm đến du lịch sinh thái – sông nước – miệt vườn rất hấp dẫn. Bởi quan cảnh nơi đây còn hoang sơ, không khí trong lành mát mẻ, người dân đôn hậu, niềm nở, ân cần mến khách. Đặc biệt, là các vườn cây ăn trái được canh tác theo thời vụ và nghịch mùa, cùng với hệ thống kênh rạch chằn chịt, cảnh sông nước hữu tình, chắc chắn sẽ thu hút du khách và sẽ thích thú khi đến khám phá nơi đây.

Chúng tôi hỏi bạn ở đây có phát triển du lịch chưa?Cong ty du lich nào tốt? Điểm ăn uống thế nào? Bạn tôi bảo hình như “chưa thấy”, điểm ăn có chỗ Ba Ngói và bạn kể ra hàng loạt món ăn dân dã, truyền thống của địa phương như: Bánh xèo nhân hến với củ hủ dừa; gỏi cuốn hến; gà ta thả vườn nấu cháo ăn với gỏi bắp chuối, cây chuối; gà nòi hầm xả; cá tai tượng chiên xù; canh chua cá ngát – cá bông lau nấu với bần, với ngó lục bình, bông so đũa, rau nhút, rau muống, rau cải trời…; tép rang dừa, cá rô, cá kèo, cá bống dừa, cá lòng tong kho tộ…. Đặc biệt, bạn tôi bảo đến cồn Phú Đa vào dịp mùng 5/5 âl, thì sẽ mặc sức thưởng thức đặc sản ốc gạo hay bánh xèo nhân ốc gạo hết sẩy luôn.

Hết một ngày chu du, thưởng ngoạn, hít thở không khí trong lành, nghịch ngợm với sông nước, thưởng thức các loại trái cây thứ thiệt tại vườn…. Từ giã cồn Phú Đa, “bộ thất” chúng tôi về lại thị trấn Chợ Lách nghỉ qua đêm. Hình như cả bọn còn luyến tiếc cái không khí yên ả, mát mẽ, trong lành, với những vườn ăn cây trái xum xuê trĩu quả và sự đôn hậu, chất phác, mến khách của người xứ cồn, cùng với những món ăn dân dã “rất tuyệt”. Hy vọng sẽ được đến nơi đây lần nữa, sẽ khá.m phá nhiều điều hay nữa và đặc biệt là được thưởng thức cho đã các loại trái cây, các món ăn dân dã, mà bạn tôi đã giới thiệu./.